- Phát triển nông nghiệp xanh tại Việt Nam – Bài 1: Chính sách và thực trạng
- Phát triển nông nghiệp xanh tại Việt Nam – Bài 3: Phế, phụ phẩm nông nghiệp – “Mỏ vàng” bị lãng quên
Biến đổi khí hậu không chỉ gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa đá, hạn hán, lũ lụt… mà nó còn ảnh hưởng nặng nề đến lĩnh vực nông nghiệp, làm giảm diện tích đất canh tác, gây ra tình trạng hạn hán và sâu bệnh, có thể còn dẫn đến mất mùa hoàn toàn.
Những tác động trực tiếp đến nông nghiệp
Những tác động của khí hậu như hiện tượng nóng lên toàn cầu dẫn đến sự dịch chuyển dần những trạng thái khí hậu mới, có thể thuận lợi hoặc không thuận lợi đối với sản xuất nông nghiệp. Ví dụ, nhiệt độ tăng cao hơn, đối với một số cây trồng hiện nay, không còn phù hợp điều kiện khí hậu thời điểm nắng nóng, dẫn đến sâu bọ, dịch bệnh phát triển, thoái hóa đất, nước biển dâng gây ngập lụt… cùng những ảnh hưởng khác đến sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, có những loại cây trồng khá phù hợp với thời tiết nắng nóng, như vậy việc nghiên cứu các loại giống, loại phù hợp với thời tiết để biến “nguy thành cơ” là nhiệm vụ hết sức quan trọng.
Những đợt hạn hán và nóng kéo dài liên tiếp xảy ra ở khắp các vùng trong cả nước những năm gần đây cho thấy mức độ gia tăng ngày càng lớn của tình trạng BĐKH. Hạn hán kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ hoang mạc hóa ở một số vùng, đặc biệt là vùng Nam Trung Bộ, vùng cát ven biển và vùng đất dốc thuộc trung du, miền núi, gây ra những hệ lụy đáng kể đối với phát triển bền vững ở Việt Nam.
Theo các nhà nghiên cứu, biến đổi khí hậu dự kiến làm giảm khoảng 12% diện tích sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng sông Hồng và 24% ở đồng bằng sông Cửu Long. Biến đổi khí hậu không chỉ ảnh hưởng đến diện tích sản xuất nông nghiệp mà còn liên quan tới cả năng suất nông nghiệp. Nếu mực nước biển dâng cao 1m, năng suất canh tác lúa ở đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ giảm 40,5%. Do đó việc sử dụng các mô hình sinh kế thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu là một hướng đi cần thiết.
Trong khi năng suất cây trồng như lúa và bắp dự báo sẽ giảm thì dịch bệnh dự kiến sẽ tăng do điều kiện khí hậu trở nên khắc nghiệt hơn. Kịch bản biến đổi khí hậu trung bình dự báo sản lượng lúa xuân có thể giảm 716,6 kg/ha vào năm 2050, trong khi sản lượng lúa hè thu có thể giảm 795 kg/ha. Điều này sẽ làm tổng sản lượng lúa giảm 1.475.000 tấn. Sản lượng ngô có thể giảm 781,9 kg/ha, dẫn đến tổng sản lượng giảm 880.000 tấn. Biến đổi khí hậu cũng sẽ làm giảm tính đa dạng của các loại thủy sản và làm suy thoái chất lượng đất.
Về mặt năng suất, dự báo đến cuối năm 2050, biến động năng suất của đa số các nhóm sản phầm đều chịu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Mặc dù năng suất được dự đoán sẽ gia tăng cả trong trường hợp có và không có tác động của BĐKH, mức tăng trưởng năng suất sẽ thấp hơn trong điều kiện có tác động của BĐKH. Ví dụ, vào năm 2050, năng suất bắp dự kiến sẽ thấp hơn 16% do tác động của BĐKH. Các nhóm sản phẩm khác dự kiến sẽ có mức chênh lệch năng suất từ 3,6% (sắn) đến 6,6% (cà phê và gạo). Nhìn chung, thay đổi về năng suất biến động rất khác nhau giữa các loại cây trồng:
BĐKH đang làm thay đổi điều kiện sinh sống của các loài sinh vật, dẫn đến tình trạng biến mất của một số loài và ngược lại, xuất hiện nguy cơ gia tăng các loại sinh vật có hại mới dẫn đến dịch bệnh. Trong thời gian nhiều năm trở lại đây, dịch rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá ở ĐBSCL diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng đến khả năng thâm canh, tăng vụ và làm giảm sản lượng lúa. BĐKH có thể tác động đến thời vụ, làm thay đổi cấu trúc mùa, quy hoạch vùng, kỹ thuật tưới tiêu, sâu bệnh, năng suất, sản lượng; làm suy thoái tài nguyên đất, đa dạng sinh học bị đe dọa, suy giảm về số lượng và chất lượng do ngập nước và do khô hạn, tăng thêm nguy cơ diệt chủng của động, thực vật, làm biến mất các nguồn gen quý hiếm.
Dự báo trong tương lai, các xu thế tác động BĐKH sẽ diễn ra nhanh và phức tạp hơn. Do vậy, đây được coi là một thách thức lớn đối với sản xuất nông nghiệp. Từ đó, việc chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp thông minh ứng phó với BĐKH là xu thế tất yếu, không chỉ riêng Việt Nam áp dụng mà đang được nhân rộng mô hình trên toàn thế giới.
Tác động của biến đổi khí hậu đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam
Theo Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Việt Nam, Việt Nam là một trong những quốc gia bị tác động mạnh mẽ nhất do biến đổi khí hậu, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long, 1 trong 3 đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất bởi nước biển dâng.
Thứ nhất, lũ lụt và nước biển dâng sẽ làm mất đất canh tác trong nông nghiệp. Nếu mực nước biển dâng cao thêm 1m mà không có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu, thì khoảng 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), 11% diện tích Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển sẽ bị ngập. Lũ lụt sẽ khiến gần 50% diện tích đất nông nghiệp vùng ĐBSCL bị ngập chìm không còn khả năng canh tác.
Theo phân tích của Viện Tài nguyên thế giới về ảnh hưởng của lũ lụt đến GDP, Việt Nam đứng thứ 4 trong số 164 quốc gia được khảo sát về tác hại nghiêm trọng của lũ lụt đến toàn nền kinh tế; làm thiệt hại 2,3% GDP của Việt Nam mỗi năm…
Thứ hai, tình trạng xâm nhập mặn ở khu vực ven biển cũng sẽ làm thu hẹp diện tích đất nông nghiệp. Một phần diện tích đáng kể đất trồng trọt ở vùng ĐBSH và ĐBSCL sẽ bị nhiễm mặn vì 2 đồng bằng này đều là những vùng đất thấp so với mực nước biển.
Xâm nhập mặn làm cho diện tích đất canh tác giảm, từ đó hệ số sử dụng đất có thể giảm từ 3-4 lần/năm xuống còn 1-1,5 lần/năm. Ngập mặn sẽ đặc biệt nghiêm trọng ở vùng ĐBSCL. Nếu nước biển dâng cao thêm 1m thì khoảng 1,77 triệu ha đất sẽ bị nhiễm mặn, chiếm 45% diện tích đất ở ĐBSCL và ước tính rằng, có khoảng 85% người dân ở vùng ĐBSCL cần được hỗ trợ về nông nghiệp.
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Môi trường nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), BÐKH làm giảm năng suất một số loại cây trồng chủ lực. Cụ thể, năng suất lúa vụ xuân sẽ giảm 0,41 tấn/ha vào năm 2030 và 0,72 tấn vào năm 2050. Năng suất cây ngô có nguy cơ giảm 0,44 tấn/ha vào năm 2030 và 0,78 tấn vào năm 2050…
Dự báo đến năm 2100, khu vực ĐBSCL có nguy cơ bị ngập 89.473 ha, tương ứng khu vực này sẽ mất khoảng 7,6 triệu tấn lúa/năm nếu nước biển dâng 100 cm. Khi đó, Việt Nam có nguy cơ thiếu lương thực trầm trọng, gia tăng tỷ lệ đói nghèo.
Thứ ba, nhiệt độ tăng, hạn hán sẽ ảnh hưởng đến sự phân bố của cây trồng, đặc biệt làm giảm năng suất. Cụ thể là năng suất lúa của vụ xuân có xu hướng giảm mạnh hơn so với năng suất lúa của vụ mùa; năng suất ngô vụ đông có xu hướng tăng ở Đồng bằng Bắc Bộ và giảm ở Trung Bộ và Nam Bộ.
Thứ tư, đối với tài nguyên rừng và hệ sinh thái: Thời gian qua, do những nguyên nhân khác nhau, đa dạng sinh học, các hệ sinh thái, đặc biệt là các hệ sinh thái rừng bị suy thoái trầm trọng: Nước biển dâng lên làm giảm diện tích rừng ngập mặt ven biển tác động xấu đến hệ sinh thái rừng tràm và rừng trồng trên đất bị nhiễm phèn ở ĐBSCL; Nhiệt độ và lượng nước bốc hơi tăng làm hạn hán kéo dài sẽ làm ảnh hưởng tới khả năng sinh trưởng của các loài thực vật và động vật rừng.
Chia sẻ về vấn đề này, TS. Nguyễn Văn Liêm – Viện trưởng Viện BVTV (thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Bộ NNPTNT) cho biết: Những tác động của biến đổi khí hậu đối với sản xuất nông nghiệp sẽ khiến một số vùng phải quy hoạch lại, thay đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện mới. Hiện nay, các Bộ ban ngành cũng đã xây dựng các kịch bản để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Do vậy, với nền nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào tự nhiên như hiện nay, Việt Nam cần chủ động đánh giá và dự báo tác động của biến đổi khí hậu, để kịp thời có những giải pháp ứng phó, phát triển kinh tế nông nghiệp phù hợp và bền vững.
Trước đó, ngày 1/4/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Chỉ thị nêu rõ: Do ảnh hưởng của El Nino, từ đầu năm đến nay, lượng mưa ở nhiều vùng trên cả nước bị thiếu hụt, nền nhiệt độ cao, nắng nóng kéo dài, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đã xảy ra ở một số địa phương, nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung, Tây Nguyên.
Để hạn chế thiệt hại đối với sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng các bộ và Thủ trưởng cơ quan có liên quan tổ chức theo dõi sát tình hình, tăng cường chỉ đạo triển khai các giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả với thiên tai, thời tiết cực đoan, nhất là nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn.
Theo đó, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là các địa phương khu vực Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạo cơ quan chức năng của địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến và dự báo về thời tiết, khí tượng, thủy văn, nguồn nước, xâm nhập mặn.
Kiểm kê, nắm chắc thông tin về nguồn nước trên địa bàn để cập nhật phương án, kế hoạch phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn của địa phương phù hợp với các kịch bản nguồn nước; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động có hình thức linh hoạt tích trữ nước ngọt, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, triệt để chống thất thoát, lãng phí nguồn nước ngọt.
Vậy nên, để phát triển nền nông nghiệp xanh bền vững, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, Nhà nước cùng người dân, doanh nghiệp. Trong đó, trách nhiệm của người dân phải tự nâng cao nhận thức, hiểu biết về vấn đề nông nghiệp thông minh, thích ứng với BĐKH, đòi hỏi người nông dân dám nghĩ, dám làm, thử nghiệm việc áp dụng các giải pháp thông minh, ứng dụng các sáng kiến trong những mô hình phát triển nông nghiệp bền vững, từ đó, đảm bảo nền sản xuất nông nghiệp có thể đạt hiệu quả cao, thích ứng được với BĐKH.
Theo Môi Trường & Cuộc Sống