Hai năm qua, các thành viên của nhóm “khâu vá ngoài phố” có mặt ở hơn 60 thành phố của Anh để khuyến khích người dân sửa quần áo thay vì tiêu dùng thời trang nhanh.

Ở các thành phố nước Anh, thỉnh thoảng trên phố sẽ xuất hiện những người ngồi khâu vá. Họ ngồi bên ngoài các cửa hàng bán những đồ thời trang nhanh. Gọi là thời trang nhanh vì đây là những món đồ giá rẻ, khiến người tiêu dùng mua liên tục. Những người này tổ chức sự kiện sửa chữa quần áo trước các cửa hàng “thời trang nhanh” nhiều lần trong năm là để nâng cao nhận thức của người dân về việc tiêu dùng quá nhiều quần áo.

Dùng cây kim khâu, những người này mang cuộc đấu tranh của mình đến trước cửa các cửa hàng nổi tiếng là biểu tượng của thời trang nhanh. Thông điệp của họ là ‘khâu chứ không vứt’, có nghĩa là đừng vì ham thời trang nhanh rẻ mà vứt bỏ quần áo, dễ dàng mua mới.

Bà Suzi Warren, người sáng lập phong trào “Khâu vá trên phố” ở Anh, nói: “Ý tưởng là chúng tôi ngồi bên ngoài những cửa hàng thời trang nhanh ở các khu phố mua sắm, để chúng tôi thể hiện rằng những gì chúng tôi làm là phương án khác với nơi mà chúng tôi đang ngồi cạnh. Cửa hàng Primark là một ví dụ chính xác về một nơi mà người ta hay tới để mua sắm hàng loạt, dùng trong vài tuần hoặc mặc vài lần là vứt bỏ.

Những người tham gia phong trào này khuyên người tiêu dùng rằng khi đã mua gì thì hãy lập nên một mối quan hệ với đồ vật đó, giữ nó càng lâu càng tốt.

Giáo sư Natascha Radclyffe-Thomas, thuộc Trường Đại học Thời trang London, Anh, cho biết: “Có mối liên hệ lớn giữa việc tiêu dùng quá nhiều và cuộc khủng hoảng khí hậu. Có nhiều nguồn lực bị hoang phí khi đưa vào sản xuất, phân phối và bán quần áo… Vậy mà người ta cứ mua rồi lại vứt đi. Thật sự rất hoang phí”.

Khi những người đi qua dừng lại hỏi han, nhóm ‘khâu vá trên phố’ lại có cơ hội để hướng dẫn họ cách sửa quần áo, thậm chí cho họ thấy sửa quần áo cũng là một niềm vui, là cách để thiền, tốt cho sức khỏe tâm thần, không cần gì nhiều, chỉ một cây kim và sợi chỉ.

Các hãng bán lẻ thời trang giá rẻ thường xuyên bị chỉ trích do tạo ra rác thải và gây ô nhiễm, đồng thời trả lương thấp cũng như cung cấp điều kiện làm việc tồi tệ cho người làm thuê.

Theo VTV

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version