- Trái đất đang ‘nghẹt thở’ vì rác thải nhựa
- Hiệu ứng khí nhà kính do nguyên nhân gì? Thực trạng phát thải khí nhà kính ở Việt Nam 2024
Thay vì đổ những cơm thừa canh cặn, trái cây hỏng, bánh mì thiu, xương cá vào thùng rác, hãy cho vào máy, bấm nút, vài giờ sau rác thải được nghiền nhỏ và sấy khô, biến thành thứ trông giống đất mùn, có thể trả về với đất.
Trong xu thế sống xanh, máy tái chế rác thải thực phẩm tại nhà – với khả năng biến rác thực phẩm thành “phân bón hữu cơ” hoặc “môi trường đất giàu dinh dưỡng” chỉ trong vài giờ – được tung hô như vị cứu tinh của môi trường. Nhưng hiệu quả thực sự của chúng vẫn gây nhiều tranh cãi.
Rác thải thực phẩm là vấn đề nghiêm trọng của toàn cầu. Theo báo cáo của Cục Bảo vệ môi sinh Mỹ (EPA), khi bị chôn vùi trong bãi rác, rác thải thực phẩm không thể phân hủy hoàn toàn và sinh ra khí metan – một loại khí mạnh gấp 28 lần so với CO2, gây ra hiệu ứng nhà kính và sự nóng lên toàn cầu. Trang CNET ước tính mỗi người Mỹ tạo ra 147 kg rác thực phẩm mỗi năm, và rác thải thực phẩm chiếm khoảng 58% tổng lượng phát thải metan ở nước này.
“Vũ khí bí mật” của căn bếp xanh?
Cho dù cố gắng giảm thiểu thế nào, vẫn luôn có một số loại rác thải thực phẩm cần được đưa đến bãi rác. Giải pháp xử lý rác thải thực phẩm thân thiện với môi trường phổ biến là ủ chúng thành phân hữu cơ.
Tuy nhiên, theo tờ The Guardian, chỉ có khoảng 5% trong số 66 triệu tấn rác thải thực phẩm ở Mỹ được tái chế bằng cách này, bởi ủ phân hữu cơ đòi hỏi nhiều thời gian, không gian và kế hoạch kỹ lưỡng, bên cạnh các yếu tố cần cân nhắc khác như mùi hôi phát sinh và sự nhớp nháp, kém vệ sinh đi kèm.
Mặc dù nhiều thành phố đã bắt đầu triển khai các chương trình thu gom và tái chế rác thải thực phẩm, nhưng theo thống kê, chỉ có khoảng 12% hộ gia đình có thể tiếp cận dịch vụ này. Nắm bắt nhu cầu này, mấy năm nay nổi lên một loại thiết bị mới tên là “máy ủ phân hữu cơ tại nhà” (home composter).
Thay vì đổ những cơm thừa canh cặn, trái cây hỏng, bánh mì thiu, xương cá vào thùng rác, hãy cho vào máy, bấm nút, vài giờ sau rác thải được nghiền nhỏ và sấy khô, biến thành thứ trông giống đất mùn, có thể trả về với đất. Sản phẩm được quảng bá giúp giảm lượng rác thực phẩm thải ra thùng rác mỗi gia đình, gián tiếp giảm tải cho bãi rác địa phương, và xa hơn là bảo vệ môi trường.
Sau khi dùng thử loại máy của thương hiệu Mill, biên tập viên Jennifer Zyman của tạp chí Food & Wine mê đến nỗi quyết định dùng thật. “Tôi không thể tưởng tượng được việc không tái chế thực phẩm của mình sau khi sử dụng Mill. Tôi khuyên bất kỳ ai đang tìm kiếm giải pháp ít bừa bộn và nhàn tay cho thức ăn thừa hãy thử thiết bị này” – Zyman không tiếc lời khen ngợi, khiến bài viết nghe có mùi “truyền thông”.
Viết cho CNET, cây bút tự do Pamela Vachon thậm chí miêu tả loại máy này là “vũ khí bí mật giúp bạn có một căn bếp xanh hơn”. Vậy thật hư ra sao? Liệu chúng có thực sự tái chế rác thải thực phẩm hay chỉ lại là một sản phẩm khác của tiếp thị?
Công nghệ hữu ích hay tự huyễn?
Helen Rosner, cây bút của tờ The New Yorker, luôn cố gắng xử lý rốt ráo số rác thực phẩm hữu cơ trong căn bếp của mình. Thịt vụn thì cho thú cưng, xương và rau củ cắt dư thì hầm làm nước dùng. Nhưng phần bã thì chẳng biết làm sao ngoài quăng thùng rác. Ấy là chưa kể dâu tây mốc vì bảo quản không tốt, bánh sandwich gọi về ăn không vô, thực phẩm lưu cữu trong góc tủ lạnh.
Rosner tìm tới máy ủ phân hữu cơ tại nhà, xem những gì chúng hứa hẹn có đúng không. Ngày đầu tiên, cô thử nghiệm với máy của thương hiệu Lomi, nhét đầy phần ngọn xơ của hành boa rô vào máy. Sau năm tiếng, cả đống hành đã biến thành nửa cốc bụi nâu có mùi hành cháy nhẹ. Những tuần sau đó, Rosner đổi sang máy của thương hiệu FoodCycler và liên tục thử nghiệm với đủ loại rác thải: vỏ khoai tây, vỏ cà rốt, rau củ héo, hay thậm chí cả món phở bị quên lãng trong tủ lạnh. Những buổi sáng mở nắp máy luôn khiến cô háo hức như đang cào xổ số. Lớp bụi tạo ra có thể nhạt, đậm, bở hay mịn tùy vào nguyên liệu đầu vào.
Rosner cho biết trải nghiệm trên “vô cùng thú vị”. Song, sự hứng thú này không làm lu mờ câu hỏi: Liệu những thiết bị này có thực sự giúp ích? Câu trả lời của Rosner và nhiều chuyên gia trong ngành có thể gây hụt hẫng.
Theo chuyên trang đánh giá sản phẩm Wirecutter của The New York Times, thoạt nhìn hầu hết các máy tái chế thực phẩm đều có cấu tạo gồm vỏ ngoài có nút điều khiển, nắp đậy và một thùng có thể tháo rời với một hoặc hai lưỡi dao để nghiền vụn thức ăn thừa. Một cơ chế gia nhiệt bên trong sẽ khử nước các mẩu thức ăn thừa cho đến khi thể tích của chúng giảm tới 90%, tùy thuộc vào kiểu máy, quá trình này mất từ ba tiếng đến vài tuần.
Với những bộ phận kể trên, chúng chỉ đơn giản là làm khô và nghiền nát thức ăn thừa. Trong khi đó, quá trình ủ phân hữu cơ thực thụ là một quá trình sinh học cần các vi khuẩn phân hủy chất hữu cơ để tạo ra một sản phẩm ổn định và giàu dinh dưỡng, có thể được sử dụng trực tiếp trong đất, theo The Guardian.
Thiếu đi quá trình sinh học này, chất thải sau khi qua các máy tái chế thực phẩm thừa có thể trông giống đất, nhưng không phải là phân hữu cơ thực sự. Một khi có nước, nó sẽ bắt đầu phân hủy và có thể phát sinh mùi, nấm mốc, thậm chí gây hại cho cây trồng. Chuyên gia về ủ phân và tài nguyên hữu cơ Kate Kurtz nhấn mạnh: “Tôi khuyên bạn không nên đặt nó (thành phẩm của máy tái chế thực phẩm thừa) cạnh những bông hồng yêu quý của mình”.
Theo Ron Alexander – một chuyên gia trong lĩnh vực tái chế và ủ phân hữu cơ, chúng thậm chí có thể gây hại cho cây trồng. Thử nghiệm tại nhà, Alexander phát hiện thành phẩm từ hai máy ủ phân điện không chỉ bị mốc mà còn làm chết cây sau khi đem bón. Ông cũng nhận thấy chúng thu hút động vật hoang dã và cả chó.
Alexander khẳng định mặc dù các máy này có thể giúp giảm khối lượng rác thải thực phẩm, chúng không phải là giải pháp thay thế cho quá trình ủ phân thực sự. Ông cho biết: “Phân hữu cơ là một thuật ngữ thực sự có sức hấp dẫn trong xu thế sống xanh, vì vậy tôi không ngạc nhiên khi mọi người cố gắng có liên quan đến nó”, và cảnh báo việc các công ty gọi sản phẩm của mình là máy tạo phân hữu cơ có thể gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.
Mua sự yên tâm
Chính các công ty cũng phải thừa nhận thực tế trên. Cả Jeremy Lang, người sáng lập Lomi, và Judson Cummins, chuyên gia sản phẩm tại Vitamix – đối tác tiếp thị và phân phối của FoodCycler tại Mỹ và Canada, đều thừa nhận với The Guardian rằng sản phẩm đầu ra từ thiết bị của họ “không phải phân hữu cơ”.
Cummins giải thích rằng thuật ngữ “máy ủ phân” chỉ là cách diễn đạt dễ hiểu và gần gũi nhất với người tiêu dùng. “Bản thân sản phẩm đầu ra chắc chắn không phải phân hữu cơ, nhưng chúng tôi đang cố gắng giúp người tiêu dùng dễ liên tưởng” – anh cho biết.
Song, Lomi và FoodCycler cũng đều khẳng định rằng dù có phải phân hữu cơ hay không, sản phẩm đầu ra từ máy của họ có tác dụng tốt. Các thử nghiệm cho thấy việc kết hợp dùng phân của Lomi làm tăng năng suất cây trồng, trong khi FoodCycler tuyên bố sản phẩm đầu ra của họ “đã được chứng minh khoa học là có lợi cho sự phát triển tối ưu của thảm thực vật”.
Riêng hãng Mill phân loại sản phẩm đầu ra của họ là “bã thực phẩm” và lưu ý rằng nó có thể “làm cây bị úng, bị mốc hoặc thu hút các loài vật đói” nếu không được ủ trước khi cho vào đất.
Vì vậy, thay vì để khách hàng rắc sản phẩm đầu ra vào sân sau hoặc cây trồng trong nhà, Mill cung cấp dịch vụ vận chuyển bã đến công ty và sử dụng chúng làm thành phần trong thức ăn cho gà. Mill cũng thêm ngăn chứa vi khuẩn trong máy để thúc đẩy quá trình phân hủy.
Trong suốt thời gian sử dụng máy, cả Rosner và Vachon cũng đều nhận ra rằng hiệu quả của những chiếc máy tái chế rác thải thực phẩm không xoay quanh vấn đề tái chế. Thứ mà chúng mang lại thiên về cảm giác giải phóng tội lỗi sau khi đã lãng phí thực phẩm. Rosner miêu tả đó là “một sự nhẹ nhõm đầy trưởng giả dành cho những ai muốn làm điều đúng đắn nhưng không muốn tốn nhiều sức”.
Không tốn sức, nhưng chắc chắn tốn tiền. Nhìn chung, các sản phẩm tái chế rác thực phẩm đều có giá từ 400 USD trở lên. Một sàn thương mại điện tử ở Việt Nam có “máy tái chế rác thải thực phẩm công suất 500W, dung tích 3 lít”, giá 6,5 triệu đồng đang giảm còn 4,9 triệu.
Nhìn chung, theo các chuyên gia, mặc dù máy tái chế mang lại tiện ích nhất định, chúng không phải phép màu giải quyết mọi vấn đề về rác thải thực phẩm, mà chỉ là một phần trong bức tranh lớn hơn. Những phương pháp ủ phân hữu cơ truyền thống, như sử dụng thùng hoặc hố ủ phân, vẫn hiệu quả và kinh tế hơn. Ở Mỹ, các chương trình ủ phân cộng đồng là lựa chọn đáng cân nhắc cho những ai không tự thực hiện được.
Quan trọng hơn hết, chuyên gia Kurtz nhấn mạnh giảm thiểu là yếu tố quan trọng nhất trong ba bước: giảm, tái chế và tái sử dụng. Cách hiệu quả nhất để giảm thiểu rác thải vẫn là hạn chế ngay từ đầu vào. Lên kế hoạch mua sắm hợp lý và tận dụng tối đa thực phẩm sẽ giúp giảm lượng rác thải mà không cần xử lý phức tạp. Nếu không, rác thải thực phẩm vẫn sẽ bị chôn lấp trong bãi rác, nơi nó sẽ tiếp tục tạo ra khí metan và góp phần vào sự nóng lên toàn cầu.
Tuy không tạo ra phân hữu cơ, các máy tái chế rác thải thực phẩm vẫn có thể đóng góp phần nào vào việc giảm thiểu rác thải với những ai có đủ khả năng chi trả, theo đánh giá của Vachon. Với khả năng giảm tới 75-90% thể tích của rác thải thực phẩm, chúng có thể làm giảm đáng kể khối lượng rác phải thu gom, vận chuyển và xử lý trong các bãi rác, từ đó giảm phát thải khí nhà kính. Các máy này cũng có thể giúp những người sống ở những khu vực hạn chế về không gian hoặc có nhiều động vật ăn rác xử lý rác thải ngay tại nhà mà không gây mùi hôi hay thu hút thú hoang.
Theo Tuổi Trẻ Cuối Tuần