Isobelle Ouzman hiện đang sống tại Bratislava – Slovakia. Cô có tình yêu mãnh liệt với sách và có ý tưởng tạo nên thế giới kỳ ảo mới cho sách bằng đôi tay khéo léo.

Nguyên liệu được Isobelle Ouzman sử dụng phần lớn là những cuốn tiểu thuyết bìa cứng, nhật ký hay những bản phác thảo bị vứt bỏ hoặc được tặng. Bằng cách sử dụng sách như một tấm vải, cô có thể tạo nên các hình ảnh minh họa ba chiều rất đẹp mắt, ấn tượng trong các trang sách với các dụng cụ chính là dao vẽ, keo dán, mực, bút chì màu, màu nước…

Diện mạo mới cho những cuốn sách qua bàn tay khéo léo và trí tưởng tượng phong phú của Isobelle Ouzman

Isobelle Ouzman tâm sự, hành trình “biến hóa” cho sách của cô bắt đầu từ khoảng năm 2012, sau khi mang về nhà một hộp tiểu thuyết bị bỏ đi, ướt nhèm. Là một “mọt sách” chính hiệu, gia đình lại có truyền thống gắn bó với công việc in ấn, Isobelle Ouzman không đành lòng chứng kiến sách bị lãng phí, hư hỏng, bị vứt trong những bãi rác hay chôn vùi trong quên lãng ở nhà kho. Cô nỗ lực tìm cách kiến tạo cuộc đời mới cho sách cũ, phủ lên chúng “chiếc áo” đậm chất nghệ thuật, mang tới sức hút mới.

Chủ đề trong các tác phẩm cắt dán, minh họa cầu kỳ, công phu trên sách cũ của Isobelle Ouzman thường mang cảm hứng từ truyện cổ tích, văn hóa dân gian, hướng tới thiên nhiên và sức mạnh của thiên nhiên. Đồng thời với nữ nghệ sĩ, đó cũng là cách cô trốn khỏi thực tại, tìm về với thế giới kỳ ảo thông qua những “cánh cổng” dẫn lối đặc biệt được cô dày công thiết kế. Theo Isobelle, công việc sáng tạo với sách nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tái chế, đồng thời cho thấy những cuốn sách giấy vẫn cần được trân trọng, nâng niu trong thời đại lên ngôi của sách điện tử. Isobelle Ouzman cho biết thêm, phần lớn tác phẩm của cô được thực hiện trên những cuốn sách được tặng, sách đã qua sử dụng hoặc bị hư hỏng ở các mức độ khác nhau. Đôi khi các hiệu sách cũng chủ động liên hệ để gửi tới những cuốn sách… ế ẩm, ít được độc giả để mắt tới.

Một số tác phẩm của Isobelle Ouzman

Để tạo nên tác phẩm của mình, Isobelle Ouzman phải trải qua quá trình lao động sáng tạo nghệ thuật rất kiên nhẫn, tỉ mỉ, gần như không thể đoán trước được kết quả sẽ tới vào thời điểm nào vì còn tùy thuộc vào tình trạng sách, giấy. Tuy nhiên, đây cũng là điều mang lại niềm vui, sự bất ngờ cho nữ nghệ sĩ vì chính cô cũng không hình dung hết thành quả mình nhận lại được sẽ ra sao. Có thể rất tuyệt vời nhưng cũng có khi đành phải bỏ dở vì không thể giữ được kết cấu cuốn sách, gáy sách bị lỏng, hỏng keo, mực thấm qua giấy in, v.v…

Isobelle Ouzman hy vọng công việc của mình sẽ khuyến khích công chúng yêu sách hơn, trân trọng cả những giá trị xưa cũ và quan tâm đến việc sống chậm hơn một chút…

Theo VTV

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version