Thực hiện Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng, mỗi năm Quảng Nam sẽ thu hàng chục triệu USD.

Tỉnh Quảng Nam là địa phương đầu tiên tại Việt Nam được Chính phủ đồng ý lập Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng, thời gian thực hiện từ năm 2021 – 2025. Thực hiện Đề án này, mỗi năm Quảng Nam sẽ thu hàng chục triệu USD từ bán tín chỉ carbon rừng, góp phần nâng cao chất lượng rừng, giúp người dân phát triển kinh tế rừng bền vững, đồng thời từng bước khắc phục những bất cập công tác quản lý, bảo vệ rừng tồn tại lâu nay.

Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh voi tỉnh Quảng Nam nằm trên địa bàn 2 xã Quế Lâm và Phước Ninh, huyện Nông Sơn với diện tích gần 19.000 ha. Khu bảo tồn này là nơi sinh sống của 8 cá thể voi châu Á, cùng 580 loài thực vật và hơn 200 loài động vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm, được xem như lá phổi xanh của tỉnh này.

Độ che phủ rừng đạt khoảng 60%, Quảng Nam là 1 trong 3 địa phương của miền Trung – Tây Nguyên có độ che phủ rừng cao của cả nước.

Ông Lê Đức Tuấn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam cho rằng, Đề án bán tín chỉ carbon rừng khi đi vào thực tiễn sẽ giúp người dân địa phương và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng hưởng lợi từ nguồn kinh phí thu được từ rừng. “Để chuẩn bị cho việc bán tín chỉ carbon rừng, lực lượng kiểm lâm đã huy động mọi lực lượng tại địa phương, tập trung tuần tra, truy quét quyết liệt việc khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản cũng như săn bắt động vật hoang dã trái phép”, ông Tuấn cho biết.

Theo tính toán sơ bộ, mỗi tín chỉ carbon được xác nhận là 1 tấn carbon dioxide (CO2), hoặc 1 tấn khí nhà kính khác quy đổi ra 1 tấn CO2 tương đương. Tỉnh Quảng Nam hiện có gần 630.000 ha rừng tự nhiên, mỗi năm trữ được xấp xỉ 1 triệu tấn carbon. Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng sẽ giúp Quảng Nam tăng 20% diện tích rừng tự nhiên trong vòng 10 năm tới, qua đó, nâng độ che phủ rừng lên 61% vào năm 2025, phục hồi và làm giàu rừng đạt khoảng 7 triệu mét khối gỗ và giảm phát thải khoảng 14 triệu tấn CO2 từ rừng vào năm 2030.

Ông Từ Văn Khánh, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cho biết, để hiện thực hóa những ý tưởng này, Chính phủ cần ban hành Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam; hoàn thiện hành lang pháp lý để đến năm 2025 Việt Nam bắt đầu thí điểm và từ năm 2028 chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon.

“Lần đầu tiên triển khai nên việc xác định quyền sở hữu carbon, pháp luật Việt Nam vẫn chưa quy định rõ ràng. Thứ hai là tín chỉ carbon rừng Quảng Nam bán ra thị trường quốc tế, nên yêu cầu giám sát tín chỉ này rất chặt chẽ, công tác bảo vệ rừng để đáp được mục tiêu của các tổ chức quốc tế là vấn đề đặt ra”, ông Khánh cho biết.

Giao dịch tín chỉ carbon rừng còn tương đối mới mẻ tại Việt Nam, nhưng trên thế giới, đã có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn sản xuất phát thải khí carbon. Tỉnh Quảng Nam hiện có gần 630.000 ha rừng tự nhiên, với độ che phủ rừng khoảng 60%, là 1 trong 3 địa phương của miền Trung – Tây Nguyên có độ che phủ rừng cao của cả nước.

Tỉnh Quảng Nam hiện có 628.000 ha rừng tự nhiên, mỗi năm trữ được xấp xỉ 1 triệu tấn carbon.

Trong giai đoạn thực hiện Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng, tỉnh Quảng Nam sẽ tiến hành lựa chọn nhà đầu tư, đàm phán, ký hợp đồng đầu tư, thu mua tín chỉ carbon rừng. Hiện nhiều doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước rất quan tâm đầu tư và mong muốn mua tín chỉ carbon rừng của Quảng Nam.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, đây là lĩnh vực mới, cần phải qua đấu thầu quốc tế nên tỉnh đang phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương triển khai.

“Quảng Nam đã làm việc với các nhà đầu tư, các nhà tư vấn để hoàn thiện đề án này, nếu làm được, bình quân mỗi năm tỉnh Quảng Nam sẽ thu được từ 5 -10 triệu USD, cộng với nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, Quảng Nam sẽ dùng nguồn lực này để gia tăng công tác quản lý bảo vệ rừng, đặc biệt là phát triển rừng gỗ lớn, hướng đến sản xuất công nghiệp có giá trị gia tăng cao”, ông Thanh nói./.

Theo VOV

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version