Theo lộ trình thị trường carbon trong nước sẽ thí điểm từ năm 2025, vận hành chính thức từ năm 2028. Việc sớm thực hiện thị trường này đem lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp cũng như góp phần quan trọng trong phát triển và bảo vệ rừng.

Khi thị trường tín chỉ carbon hoạt động, thu nhập của người trồng và bảo vệ rừng sẽ tăng thêm nhờ bán tín chỉ này – Ảnh: N.KHÁNH

Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ TĂNG THẾ CƯỜNG – cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) – về vấn đề này.

Ông Cường nói:

– Trao đổi tín chỉ carbon tự nguyện từ Việt Nam ra thế giới đã được các doanh nghiệp thực hiện từ giữa những năm 2000 khi triển khai các chương trình, dự án “theo cơ chế phát triển sạch” (CDM).

Trong thời gian qua, nước ta có hơn 300 chương trình, dự án đăng ký thực hiện theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon… trong đó có khoảng 150 chương trình, dự án được cấp 40,2 triệu tín chỉ và trao đổi trên thị trường carbon thế giới.

Việt Nam là một trong bốn nước có dự án CDM đăng ký nhiều nhất, sau Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ và đứng thứ 9 trên tổng số 80 quốc gia có dự án CDM được cấp tín chỉ.

* Bộ Tài nguyên và Môi trường đang làm những gì để triển khai lộ trình thị trường carbon sẽ thí điểm năm 2025, sớm đi vào vận hành chính thức năm 2028?

– Hiện nay trên thế giới có 58 quốc gia phát triển thị trường carbon, 27 quốc gia áp dụng thuế carbon và một số quốc gia áp dụng cả hai. Để phát triển thị trường carbon ở nước ta cần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon và cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ. Xác định tổng hạn ngạch phát thải và phân bổ cho các lĩnh vực, doanh nghiệp. Và xác định các lĩnh vực, dự án tiềm năng.

Bên cạnh đó chúng ta sẽ đào tạo đội ngũ, năng lực quản lý, tổ chức vận hành thị trường carbon. Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đáp ứng việc sẵn sàng tham gia thị trường carbon.

Đồng thời cần xây dựng sàn giao dịch hạn ngạch và tín chỉ carbon cùng với quy chế tổ chức, vận hành để thị trường trong nước chính thức hoạt động, kết nối với thị trường khu vực, thế giới. Trước mắt chúng ta sẽ sớm triển khai thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon.

Đến nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan xây dựng đề án phát triển thị trường và đang triển khai xây dựng quy định về quản lý tín chỉ carbon. Quy định về đấu giá, chuyển giao, vay mượn, nộp trả và thu hồi hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Sử dụng tín chỉ carbon để bù trừ phát thải khí nhà kính. Cơ chế quản lý tài chính cho hoạt động của thị trường carbon.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia để quản lý toàn bộ tín chỉ carbon đồng thời kết nối với các hệ thống, tổ chức tiêu chuẩn trên thế giới như tiêu chuẩn vàng, được thẩm định… Các tổ chức, cá nhân sẽ đăng ký tài khoản, cung cấp thông tin liên quan về loại, lượng tín chỉ carbon đang sở hữu và các thông tin cần thiết khác để tham gia thị trường.

Tiến sĩ Tăng Thế Cường – Ảnh: DANH KHANG

* Việc triển khai thị trường carbon đóng vai trò như thế nào trong đảm bảo mục tiêu Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050?

– Để đạt được mục tiêu cam kết giảm phát thải khí nhà kính theo đóng góp do quốc gia tự quyết định đến năm 2030 và mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Thủ tướng Chính phủ đã giao chỉ tiêu giảm phát thải khí nhà kính cho các lĩnh vực.

Các lĩnh vực được giao chỉ tiêu cụ thể như năng lượng, giao thông vận tải, nông nghiệp, quản lý chất thải… và giao chỉ tiêu hấp thụ khí nhà kính cho lĩnh vực lâm nghiệp.

Việc phát triển thị trường carbon tại Việt Nam sẽ góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, thúc đẩy phát triển công nghệ phát thải thấp. Góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, hướng tới phát triển nền kinh tế carbon thấp, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

* Vậy nông dân trồng rừng, chủ rừng, Nhà nước, doanh nghiệp sẽ hưởng lợi ra sao khi vận hành sàn giao dịch?

Tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một lượng khí CO2 hoặc một lượng khí nhà kính khác quy đổi sang CO2 tương đương.

Một tín chỉ tương đương với 1 tấn CO2 hoặc 1 tấn CO2 quy đổi tương đương. Trong khi đó, theo lộ trình thị trường carbon trong nước sẽ thí điểm từ năm 2025, vận hành chính thức từ năm 2028.

– Rừng Việt Nam có tiềm năng tạo ra nhiều tín chỉ carbon. Việc bán tín chỉ carbon rừng sẽ giúp tăng thu nhập cho doanh nghiệp thông qua nguồn thu từ kết quả giảm phát thải.

Với các chủ rừng, nông dân sẽ nâng cao năng suất rừng trồng, cải thiện sinh kế bền vững, góp phần bảo vệ diện tích rừng hiện có và nâng cao độ che phủ.

Lĩnh vực lâm nghiệp có vai trò rất quan trọng trong việc đạt được mục tiêu hấp thụ carbon rừng, tạo sự cân bằng với giảm phát thải. Lĩnh vực lâm nghiệp đóng góp khoảng 22% khi Việt Nam tự thực hiện và thêm 12% khi có sự hỗ trợ vào mục tiêu giảm phát thải của quốc gia đến năm 2030, để đến năm 2050 sẽ cân bằng đạt phát thải ròng bằng 0.

Trong thời gian qua, có một số địa phương quan tâm đến trao đổi tín chỉ carbon rừng hay lượng hấp thụ carbon rừng ra nước ngoài. Do lĩnh vực lâm nghiệp có vai trò rất quan trọng trong việc đạt được mục tiêu hấp thụ carbon rừng.

Các địa phương có rừng cần phối hợp với Bộ NN&PTNT xác định tỉ lệ đóng góp về lượng hấp thụ khí nhà kính từ rừng trên địa bàn, đảm bảo mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính quốc gia để ra lượng tín chỉ có thể trao đổi, bán ra ngoài.

Bán tín chỉ carbon, tăng thu nhập người giữ rừng

Theo Ban quản lý rừng phòng hộ Nghi Sơn (Thanh Hóa), tiềm năng lưu giữ carbon rừng của Việt Nam rất lớn, nếu có thị trường trao đổi thì sẽ mang lại thêm thu nhập cho những người làm công tác bảo vệ, trồng, phát triển rừng.

Trong thời gian tới khi có kế hoạch triển khai thị trường carbon, đơn vị này sẽ cùng lực lượng kiểm lâm tham mưu cho lãnh đạo Sở NN&PTNT Thanh Hóa có các giải pháp phù hợp, phát huy hết giá trị của diện tích rừng hiện có trên địa bàn.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, giáo sư Nguyễn Ngọc Lung – viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng – cho biết hiện nay rừng trên thế giới nói chung chỉ chiếm hơn 30% diện tích, 70% còn lại là các loại đất khác. Rừng là nơi lưu giữ tín chỉ carbon, trong đó những khu rừng già, rừng đầu nguồn, nơi nhiều cây gỗ lớn thì luôn rất tiềm năng.

Ông Lung cho rằng để phát triển thị trường carbon chuyên nghiệp cần có sự liên kết với các thị trường trong khu vực, thế giới. Đồng thời cơ quan nhà nước cần phải xây dựng được chính sách thị trường carbon phù hợp, phát triển bền vững diện tích rừng hiện có.

“Là đơn vị nghiên cứu quản lý rừng bền vững, chúng tôi luôn mong Việt Nam sớm có thị trường, sàn giao dịch tín chỉ carbon để người trồng, giữ rừng có thêm hỗ trợ, thù lao”, ông Lung nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, tiến sĩ Phạm Xuân Phương, nguyên phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ NN&PTNT, cho biết tín chỉ carbon rừng là một sản phẩm mới của rừng, sẽ được bán cho các doanh nghiệp có phát thải carbon lớn trong các lĩnh vực như sản xuất xi măng, nhiệt điện, thép… để thu về những khoản kinh phí tái đầu tư bảo vệ và phát triển rừng. Các doanh nghiệp phát thải nhiều carbon sẽ buộc phải mua tín chỉ carbon rừng theo quy định.

Tiềm năng rừng tự nhiên của nước ta rất lớn, việc bán tín chỉ carbon rừng hoàn toàn phù hợp với Việt Nam. Nhưng các đối tác mua tín chỉ carbon là họ mua phần tăng trưởng của rừng gắn với tăng lượng hấp thụ carbon trong 5, 10 hoặc 20 năm tiếp theo. Như vậy chỉ những khu rừng được bảo vệ tốt, rừng có tăng trưởng mới có thể bán được tín chỉ carbon.

Theo Tuổi trẻ

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version