Được kỳ vọng là thế hệ thúc đẩy tiêu dùng bền vững nhưng nhiều Gen Z đang ngả nghiêng giữa 2 lựa chọn thời trang nhanh và xanh.
Trong một đoạn video truyền thông cho chiến dịch sống xanh của TikToker Haley Phạm, 22 tuổi, với hơn 300.000 người theo dõi, cô nói về việc bắt xe điện đến trung tâm thương mại, không quên mang theo túi tote vải để “mua sắm nhiều lần mà không phải lấy túi giấy hay túi nylon”. Tuy nhiên, cửa hàng đầu tiên mà nữ TikToker này ghé là một hãng thời trang nhanh.
Yêu môi trường vẫn thích thời trang nhanh
Thực chất, Gen Z (những người sinh từ cuối những năm 1990 đến năm 2010) là thế hệ có nhận thức và sẵn sàng theo đuổi lối sống bền vững hơn các thế hệ trước đó. Khảo sát về Gen Z năm 2023 của Deloitte chỉ ra rằng vấn đề về môi trường là một trong những mối lo ngại hàng đầu của 60% thế hệ này. Theo đó, có đến 69% Gen Z sẵn sàng thay đổi hành vi để giảm thiểu dấu chân carbon.
Xu hướng này cũng tác động đáng kể đến lựa chọn phong cách sống của giới trẻ hiện nay, chẳng hạn như giảm thiểu nhựa một lần, sử dụng phương tiện công cộng, ăn chay hay tiết kiệm năng lượng.
Song cũng theo khảo sát, chỉ 33% Gen Z đã giảm thiểu chi tiêu cho thời trang nhanh và 25% Gen Z dự tính làm điều đó. Trừ khi người tiêu dùng mua đồ đã qua sử dụng, thời trang bền vững thường đi kèm với mức giá đắt đỏ, vì bên cạnh chất liệu sản phẩm, các thương hiệu cũng phải đầu tư đáng kể vào bao bì, công nghệ, môi trường lao động lành mạnh, khiến giá thành bị đẩy lên cao. Theo tìm hiểu của NCĐT, trung bình một món đồ thời trang cơ bản của những thương hiệu nhỏ lẻ nội địa, được làm từ vải lanh nguyên chất hoặc bông hữu cơ, có giá từ 800.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng.
Trong khi khoảng 59% Gen Z được Deloitte khảo sát cho biết sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm và dịch vụ bền vững, hơn một nửa (53%) cho rằng điều đó sẽ không diễn ra nếu bối cảnh kinh tế hiện tại không thay đổi. Chia sẻ về vấn đề này, Vy Thảo, 22 tuổi, cho biết: “Thay vì dành 1 triệu đồng để mua một mẫu váy thân thiện môi trường, không mấy bắt mắt, thì số tiền đó có thể mua được 5 món đồ khác. Trên một số sàn thương mại hiện nay có những mặt hàng thời trang với giá thậm chí chưa đến 100.000 đồng”.
Cần cuộc chuyển đổi lớn
Ngành thời trang thế giới cũng như Việt Nam đang chuyển đổi xanh rất quyết liệt. Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), cho biết ngày càng nhiều thương hiệu thời trang lựa chọn, sử dụng các chất liệu xanh được sản xuất an toàn với môi trường. Các loại vải thuộc nhóm nguyên liệu may mặc thân thiện môi trường bắt đầu phát triển gần đây như cà phê, gai, tre, sen, bạc hà, dứa, chuối, bắp. Đây cũng là cách ngành dệt may và thời trang Việt Nam đáp ứng nhu cầu về sản phẩm bền vững ngày càng tăng của khách hàng trong và ngoài nước.
Nhược điểm của thời trang xanh vẫn là vấn đề giá khi nhiều sản phẩm có giá cao gấp đôi so với thời trang truyền thống. Ông Phạm Chí Nhu, CEO Coolmate, thừa nhận: “Giá sản phẩm hiện còn tương đối cao, chưa tiếp cận đến số đông. Chúng tôi kỳ vọng giá thành sẽ tốt hơn. Nhưng thời trang bền vững là xu thế tất yếu và thế hệ tiêu dùng mới không chỉ lựa chọn kiểu dáng, chất liệu mà còn quan tâm nhiều đến câu chuyện của sản phẩm, nhất là tính bền vững”. Coolmate hiện có các sản phẩm thời trang được làm từ bã cà phê, polyester tái chế từ chai nhựa.
Bà Brittany Burns, Giám đốc Chiến lược và Phát triển doanh nghiệp tại tổ chức phi lợi nhuận Fashion For Good, nhận định nếu nhu cầu đủ lớn, thời trang bền vững sẽ bớt đắt đỏ hơn, vì những cải tiến ngày càng đại trà giúp kéo giá thành xuống thấp.
Tuy nhiên, đối với một bộ phận Gen Z khác, giá thành không phải là vấn đề mà là những định kiến về mẫu mã và màu sắc kém đa dạng, không phù hợp với xu hướng thời trang hiện thời. Là một nhân viên văn phòng, Thảo Nguyên, 26 tuổi, mua từ 5-8 món quần áo mới mỗi tháng, với chi phí trung bình cho một món khoảng 500.000 đồng. Cô cho biết thỉnh thoảng có mua đồ cũ nhưng là vì những món đồ săn được thường không đụng hàng. Khi nói đến bảo vệ môi trường, thời trang luôn là ngoại lệ của Thảo Nguyên. Với Gen Z này, chi phí không phải là mối bận tâm mà là cảm giác không có gì để mặc.
Được biết mạng xã hội là một trong những nguồn thông tin phổ biến nhất mà Gen Z trang bị thêm kiến thức về sống bền vững, theo Khảo sát Bền vững theo thế hệ của EY và JA Worldwide. Tuy nhiên, cũng trên mạng xã hội, chẳng hạn như TikTok, Gen Z được tiếp cận với những xu hướng mới nhất và hoạt động mua bán mặt hàng thời trang diễn ra sôi nổi hơn cả.
Là một Gen Z đứng trước bão xu hướng, Thảo Nguyên cho biết dễ dàng cảm thấy FOMO khi thấy người nổi tiếng diện những bộ cánh thời thượng nhất mà mình chưa có. “Nếu thời trang mà không liên tục đổi mới thì đâu phải là thời trang”, cô nói.
Theo khảo sát của Green Story, đơn vị thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững, 45% Gen Z được hỏi cho rằng khó có thể cưỡng lại sức hút từ giá của thời trang nhanh cũng như áp lực của mạng xã hội, mặc dù họ vẫn quan tâm đến trái đất. Cứ 1 trong 3 Gen Z thừa nhận rằng họ nghiện thời trang nhanh và dành quá nhiều thời gian, tiền bạc cho nó.
Điều này có thể dễ dàng quan sát tại một số thương hiệu nội địa, nổi tiếng với giới trẻ, chẳng hạn như MONÁ Saigon hay SWE. Những thương hiệu với một số sản phẩm có đến hàng chục ngàn lượt bán, chỉ tính riêng trên nền tảng TikTok.
Ở bức tranh rộng hơn, theo Statista, quy mô thị trường thời trang Việt Nam dự kiến đạt 4,74 tỉ USD vào năm 2029 với những thương hiệu chủ chốt, hoạt động tốt trên thị trường là những cái tên quen thuộc, vẫn luôn được xem là biểu tượng của thời trang nhanh như Nike, Zara, H&M và Uniqlo. Theo đó, vốn hóa thị trường thời trang nhanh toàn cầu ước tính trị giá hơn 185 tỉ USD vào năm 2027, trong khi thị phần thời trang đạo đức (ethical fashion, bao gồm cả thời trang bền vững) dự kiến đạt 8,16 tỉ USD trong cùng kỳ.
Như vậy, để chuyển đổi xanh và thuyết phục giới trẻ tham gia vào cuộc chuyển đổi này đòi hỏi ngành thời trang cần có những bước tiến xa hơn nữa. “Các nhà hoạch định chính sách cần cân nhắc đến việc khuyến khích thời trang bền vững, thông qua ưu đãi thuế cho doanh nghiệp tham gia thu gom và sản xuất nguyên phụ liệu tái chế, thân thiện với môi trường…”, lãnh đạo của VITAS đề xuất.
Theo Nhịp Cầu Đầu Tư