Việc chuyển đổi xe thu gom rác gặp nhiều khó khăn do thiếu phương tiện đạt chuẩn và phù hợp

UBND TP HCM kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, tham mưu cho cấp thẩm quyền ban hành quy định mẫu các phương tiện thu gom chất thải rắn sinh hoạt đạt chuẩn, bao gồm phương tiện phù hợp với các hẻm, ngõ sâu, dài.

Loay hoay tìm hướng ra

Ông Phan Trung Bình, Phó trưởng Phòng TN-MT huyện Hóc Môn, cho biết địa bàn huyện có 249 phương tiện thu gom chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có 7 xe ép, 72 xe tải, 170 xe thô sơ. Tính đến nay đã có 24 phương tiện chuyển đổi sang phương tiện đạt chuẩn (17 xe tải, 7 xe ép), trong đó 9 trường hợp vay vốn từ Quỹ Bảo vệ môi trường, số phương tiện còn lại đang tiếp tục thực hiện chuyển đổi từ nay đến hết năm 2025.

Theo ông Bình, trước đây, theo yêu cầu, một số đơn vị thu gom rác đã chuyển đổi phương tiện thu gom tại nguồn từ xe thô sơ thành xe tải bằng nguồn vốn vay. Do đó, các đơn vị trên không thể tiếp tục chuyển đổi thành ô tô chở rác theo mẫu phương tiện UBND TP HCM ban hành.

Ngoài ra, đa số mẫu phương tiện đạt chuẩn ô tô chở rác có kích thước, trọng tải lớn nên không thể thu gom rác ở khu vực hẻm nhỏ, sâu. Khoảng cách từ những điểm thu gom đến các trạm trung chuyển xa, nếu sử dụng phương tiện có dung tích nhỏ, đạt chuẩn như thùng đẩy dung tích 660 lít sẽ không bảo đảm thời gian thu gom, vận chuyển về trạm trung chuyển và chi phí vận hành phương tiện.

Trong khi đó, ông Phạm Bảo Toàn, Trưởng Phòng TN-MT quận Phú Nhuận, cho biết vướng mắc lớn nhất hiện nay là do địa hình quận Phú Nhuận có nhiều hẻm nhỏ, xe tải thu gom khó luồn lách sâu vào trong, nếu kéo tay thì người thu gom không đủ sức, mất nhiều thời gian. Ngoài ra, đặc thù là đường dây rác nhỏ nên người thu gom không đủ kinh phí để chuyển đổi phương tiện…

Ông Lê Hải Điền – Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh – cho biết xã đã phối hợp Phòng TN-MT tuyên truyền, đề nghị các đơn vị thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thực hiện chuyển đổi phương tiện thu gom, 23/25 đơn vị đạt chuẩn về phương tiện thu gom – đạt 92%, còn 2/25 đơn vị cam kết chuyển đổi phương tiện trong năm 2024.

Bên cạnh đó, ông Điền cũng chia sẻ khó khăn trong công tác thu gom rác trên địa bàn có diện tích 1.996 ha, với hơn 42.000 hộ dân, gần 2.000 tuyến đường hẻm lớn nhỏ. Trong đó có nhiều tuyến nhỏ hẹp và sâu không thể di chuyển bằng phương tiện xe cơ giới nên phải sử dụng thùng rác loại 660 lít để thu gom và tập kết lên phương tiện thu gom, tốn nhiều thời gian, nhân công, phát sinh nhiều chi phí.

Những kiến nghị sát sườn

Từ thực tế trên, ông Điền kiến nghị cần có mẫu phương tiện thu gom rác phù hợp với địa bàn thành phố, như các loại phương tiện vận chuyển nhỏ có thể linh hoạt di chuyển vào các hẻm.

Tương tự, Trưởng Phòng TN-MT quận Phú Nhuận cho rằng các đơn vị liên quan cần ghi nhận ý kiến của những người trực tiếp làm nghề. “Các sở, ngành và UBND TP HCM nghiên cứu đề xuất cho thí điểm phương tiện xe 3 bánh chạy bằng điện thu gom rác trên địa bàn thành phố phù hợp địa hình nhiều hẻm nhỏ trong khoảng thời gian nhất định, sau đó đánh giá lại” – ông Toàn kiến nghị.

Ông Phạm Văn Khanh, Phó Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Môi trường Đồng Tâm, phân tích do đặc thù nhiều quận nội thành như quận 5, 6… có nhiều hẻm nhỏ, chằng chịt, nếu chuyển đổi xe ép thì sẽ khó luồn lách, quay đầu. Theo ông Khanh, một vài địa phương có nhiều phương tiện chuyển đổi sang xe ép vì địa hình thuận lợi với nhiều tuyến đường lớn, đường dây rác gồm nhiều hộ nên chủ đường dây dễ chuyển đổi phương tiện hơn. Riêng các quận khác, mỗi đường dây rác chỉ 130 – 200 hộ nếu chuyển sang xe lớn, chủ đường dây không đủ chi phí vận hành. Chưa kể, thu nhập của người thu gom rác chỉ đủ trang trải cuộc sống, việc vay tiền mua xe, trả góp rất gian nan.

“Người thu gom rác nhận thức được việc chuyển đổi phương tiện an toàn, sạch sẽ hơn là cần thiết và mong muốn chính quyền thành phố hỗ trợ, kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải thí điểm triển khai phương tiện xe 3 bánh thu gom rác như mẫu xe đề xuất tại TP Hà Nội. Mẫu xe này khoảng 50-60 triệu đồng, dễ chuyển đổi” – ông Khanh cho hay.

Phó Giám đốc Sở TN-MT TP HCM Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết nhiều năm qua thành phố cũng triển khai đồng bộ công tác chuyển đổi phương tiện thu gom rác đạt chuẩn trên địa bàn. Thành phố thực hiện các chính sách cho vay hỗ trợ chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của chương trình hỗ trợ tài chính, cho vay của Quỹ Bảo vệ môi trường với lãi suất hiện nay 3,86%/năm.

Bên cạnh đó, đối với các cá nhân thu gom rác quy mô nhỏ, không đủ tiền để chuyển đổi sang phương tiện cơ giới, có nhu cầu mua sắm thùng 660 lít mới hoặc mong muốn học nghề khác để chuyển đổi nghề nghiệp thì có thể liên hệ Quỹ trợ vốn xã viên hợp tác xã thuộc Liên minh Hợp tác xã thành phố vay tín chấp với tổng mức vay không quá 60 triệu đồng.

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ TN-MT, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ nhìn nhận quá trình chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển rác là vấn đề khó, thành phố có nhiều đường, hẻm nhỏ nên nhiều loại xe cơ giới không đáp ứng được. Còn phương tiện đáp ứng được yêu cầu về địa hình thì không đủ điều kiện xin phép lưu hành. Vì vậy, cần thiết có quy định, hướng dẫn chung về mẫu mã phương tiện thu gom, vận chuyển để đáp ứng nhu cầu bảo vệ môi trường cũng như cấp phép lưu hành. 

Nhu cầu chuyển đổi lớn

Kết quả chuyển đổi phương tiện từ năm 2021 đến nay, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện đã rà soát, chuyển đổi 1.897 phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, gồm 956 thùng 660 lít và 941 ô tô chở rác. Hiện nay, nhu cầu chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển mới là 1.883 phương tiện (gồm 1.144 thùng 660 lít và 739 ô tô chở rác) với nhu cầu vốn vay Quỹ Bảo vệ môi trường khoảng 229 tỉ đồng.

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version