- Gian nan bài toán về tài chính khí hậu tại COP29
- Những Chiến Binh Rác Thải của Việt Nam: Tuyến Đầu trong Cuộc Chiến Chống Biến Đổi Khí Hậu
Vật liệu từ rong biển, nấm và chất thải nông nghiệp đang được thử nghiệm như giải pháp thay thế nhựa, khi toàn cầu tăng tốc giảm thiểu tác động môi trường.
Tại London thời Victoria, giữa những nhà máy và nhà kho ở khu East End, Alexander Parkes đã phát minh ra loại nhựa đầu tiên trên thế giới, mang tên Parkesine. Hơn một thế kỷ sau, tại chính khu vực này, startup Notpla đang nối tiếp di sản của ông bằng một loại vật liệu mới. Tuy nhiên, khác với Parkesine, chất liệu của Notpla không làm từ nhiên liệu hóa thạch mà từ rong biển, và có khả năng tự phân hủy trong vòng sáu tuần.
Sản phẩm của Notpla đã được thử nghiệm ngay tại sân vận động Emirates, khi các khán giả bóng đá sử dụng khay đựng xúc xích làm từ chất liệu này. Đây là một phần của làn sóng đổi mới trong ngành vật liệu, khi các công ty tận dụng polyme tự nhiên như ngô, nấm hay chất thải nông nghiệp để thay thế nhựa truyền thống. Startup Traceless của Đức đang sản xuất các vật dụng tự phân hủy như dao, nĩa và móc treo vớ, trong khi “gã khổng lồ” đồ gia dụng Thuỵ Điển IKEA thử nghiệm bao bì làm từ nấm. Những sáng kiến này phản ánh nỗ lực toàn cầu nhằm giảm thiểu rác thải nhựa.
Theo OECD, thế giới dự kiến sản xuất khoảng 500 triệu tấn nhựa trong năm nay, nhưng chỉ 10% được tái chế. Phần lớn còn lại bị đốt, chất đống tại bãi rác hoặc trôi dạt ra sông ngòi, đại dương, chiếm khoảng 3% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, thậm chí nhiều hơn ngành hàng không. Đó là lý do ngày 25/11, Liên Hợp Quốc bắt đầu đàm phán một hiệp ước toàn cầu nhằm giảm thiểu tác động môi trường từ nhựa, dự kiến có hiệu lực vào năm sau.
Nhựa hiện chủ yếu được sử dụng làm bao bì, chiếm một phần ba sản lượng toàn cầu, nhưng phần lớn không thể tái chế. Nhiều doanh nghiệp lớn như Coca-Cola, Nestlé, Unilever hay Danone đã bắt đầu hành động. Coca-Cola, chẳng hạn, đã chuyển chai Sprite từ màu xanh sang trong suốt để dễ tái chế hơn. Tại châu Âu, từ tháng 7, EU yêu cầu nắp phải gắn liền chai nhựa để tăng hiệu quả tái chế, buộc các doanh nghiệp đồng bộ hóa thiết kế trên toàn khu vực.
Từ năm 2018, liên minh gồm hơn 250 công ty, chiếm 20% lượng bao bì toàn cầu, đã giảm 3% việc sử dụng nhựa nguyên sinh, một tín hiệu tích cực nhưng vẫn xa mục tiêu giảm 18% vào năm 2025.
Nestlé là một trong số những công ty đã đầu tư mạnh vào lĩnh vực này, với trung tâm nghiên cứu bao bì bền vững được thành lập vào năm 2019. Các doanh nhân và quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) cũng không đứng ngoài cuộc. Từ năm 2020, các quỹ VC đã rót 2,7 tỉ USD vào các startup bao bì bền vững, gần gấp 3 lần so với năm năm trước đó, theo PitchBook. Tuy nhiên, các vật liệu thay thế, dù nhiều tiềm năng, vẫn đang gặp trở ngại lớn về chi phí.
Ví dụ, khay xúc xích phủ rong biển của Notpla có giá cao gấp 3-4 lần khay nhựa thông thường. Theo khảo sát của Euromonitor, hơn 80% người tiêu dùng tại châu Âu và Mỹ sẵn sàng trả thêm tiền cho bao bì bền vững, nhưng chỉ một phần ba sẵn sàng trả thêm ít nhất 10%. Việc biến ý định này thành hành động mua thực tế vẫn là thách thức lớn.
Dù vậy, với sự đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển, cùng sự ủng hộ từ người tiêu dùng có ý thức, những sáng kiến bền vững đang mở ra cơ hội thay đổi cục diện ngành vật liệu và góp phần giải quyết vấn đề rác thải nhựa toàn cầu.
Theo The Economist